Việt Nam Ban Hành Chiến Lược Quốc Gia Về Ứng Dụng Và Phát Triển Công Nghệ Blockchain
Ngày 22/10, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1236/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ Blockchain đến năm 2025, với định hướng đến năm 2030. Đây là văn bản pháp lý cao nhất, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy công nghệ Blockchain, nhằm giúp Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng.
Chiến lược hướng đến việc Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong nghiên cứu và ứng dụng Blockchain. Đến năm 2025, Việt Nam sẽ thiết lập hạ tầng Blockchain tuân thủ pháp luật, hỗ trợ khả năng tương tác và quản lý nhà nước. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ củng cố hạ tầng Blockchain quốc gia, ban hành tiêu chuẩn ứng dụng và phát triển Blockchain.
Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 20 thương hiệu Blockchain uy tín, duy trì 3 trung tâm thử nghiệm Blockchain tại các thành phố lớn, và có mặt trong danh sách 10 cơ sở đào tạo hàng đầu châu Á.
Chiến lược còn đặt mục tiêu đưa công nghệ Blockchain vào khung chương trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các cơ sở nghiên cứu.
Để thúc đẩy, tăng cường ứng dụng công nghệ Blockchain, Việt Nam sẽ lựa chọn tối thiểu một trung tâm/đặc khu/địa bàn thử nghiệm về công nghệ này nhằm hình thành mạng lưới quốc gia về Blockchain, ưu tiên triển khai tại các đơn vị đã có kinh nghiệm về mạng lưới Blockchain của địa phương.
Chiến lược cũng nêu rõ các hành động cụ thể trong giai đoạn 2024-2030, bao gồm hoàn thiện khung pháp lý, phát triển hạ tầng phục vụ đa mục tiêu, hình thành hệ sinh thái “Blockchain+” trong các lĩnh vực như tài chính – ngân hàng, giao thông – vận tải, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, logistic, bưu chính – chuyển phát, sản xuất công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp, cung cấp dịch vụ công và các lĩnh vực khác. Các trung tâm đổi mới sáng tạo và cơ sở đào tạo sẽ được phát triển để xây dựng nguồn nhân lực cho công nghệ Blockchain.
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nhấn mạnh rằng Chiến lược này đánh dấu một bước tiến quan trọng, thể hiện cam kết và nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy kinh tế số minh bạch và bền vững.
Bạn cảm thấy thế nào nào?